Sự thăng hoa thể hiện trong những nét đục chạm của người thợ thủ công

Điêu khắc gỗ là một nghề mang tính chất cổ truyền có từ lâu đời ở Việt Nam. Sau nhiều giai đoạn hình thành và phát triển khác nhau, đến nay, điêu khắc gỗ đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của ngành gỗ Việt Nam.
Tinh xảo, đặc sắc

Dấu tích còn lại của hoa văn, họa tiết cầu kỳ trên những cánh cửa, cột chống hay những con rồng, phượng uốn lượn trên mái hiên các đình làng, cung điện vua chúa xưa kia được xem là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc gỗ trong lịch sử Việt Nam. Trong đó, điêu khắc gỗ ở thời kỳ nhà Lý được xem là nở rộ và có nhiều công trình lớn nhất. Từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, nhiều công trình sử dụng điêu khắc gỗ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa mang giá trị nhân văn, giá trị tinh thần và phong thuỷ sâu sắc.

blank

Một vài năm trước, nghề điêu khắc gỗ đứng trước không ít thăng trầm bởi người tiêu dùng chạy theo xu hướng sử dụng đồ gỗ công nghiệp theo phong cách hiện đại. Vậy nhưng gần đây, do nhu cầu xây nhà kiểu cổ, hoa văn cầu kỳ và hoạt động tu bổ, xây dựng đình đền miếu mạo phục vụ đời sống tâm linh phát triển mạnh…, nghề điêu khác gỗ đã có được chỗ đứng nhất định; những người thợ điêu khắc tay nghề cao được trọng dụng và làm không hết việc. Không chỉ yêu thích vẻ đẹp của những sản phẩm điêu khắc tinh xảo; nhiều người còn tin rằng, các mẫu điêu khắc tượng gỗ được bày trí trong nhà còn có tác dụng trấn trạch, chống tà ma ngoại đạo xâm nhập, ngăn chặn khí xấu vào nhà. Đồng thời, nhiều mẫu tượng gỗ điêu khắc đẹp cũng có tác dụng thu hút tài lộc, may mắn, mang đến sự thuận lợi trong sự nghiệp, học tập của các thành viên trong gia đình. 

Ngoài ra, nghệ thuật điêu khắc gỗ Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Trung Quốc về kiểu dáng, mẫu mã cũng như cách dùng và trưng bày các vật phẩm gỗ. Chính vì vậy, muốn cạnh tranh và vươn ra với thị trường Quốc tế, đòi hỏi các làng nghề truyền thống phải luôn không ngừng đổi mới mẫu mã, tạo được những sản phẩm mang phong thái riêng, ẩn chứa trong đó là những phong tục, văn hóa mang đậm hồn Việt. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách, chế độ để động viên, khuyến khích các nghệ nhân điêu khắc gỗ để các nghệ nhân duy trì sự tâm huyết, sáng tạo; quyết tâm gắn bó với nghề. Thay vì chỉ lưu giữ nghề truyền thống hay mưu sinh đơn thuần; mỗi sản phẩm người thợ điêu khắc làm ra phải hướng tới mục đích quảng bá tài năng, văn hóa và cốt cách con người Việt Nam.